Thursday, May 18, 2017

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SĨ HUY TRÂN

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SĨ HUY TRÂN
( Ảnh minh họa nguồn Internet )
-      Nhạc sỹ Huy Trân tên thật là Trần Huy Trân, sinh ngày 9/6/1936 tại Nam Định.
-      Ông đã từng công tác tại Viện Âm nhạc (1960 - 1980) và Đài PTTH Hà Nội (1980 - 1996)
-      Tham gia các hội: Hội Nhạc sỹ VN, Hội Văn nghệ dân gian VN, Hội Âm nhạc Hà Nội
-      Phần thưởng: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Chiến sỹ văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp truyền hình
-      Tiểu luận và sách nghiên cứu âm nhạc dân gian cổ truyền tiêu biểu: Đàn bầu VN, Các nhạc khí dân tộc Hà Nhì, Một số hình thức hòa tấu nhạc tài tử Nam Bộ, Nhìn qua kho tàng nhạc khí VN, công trình nghiên cứu Nhạc khí dân tộc VN biên soạn cùng với Lê Huy.
-      Sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi: Bầu trời này, mặt đất này (Lời thơ Diệp Minh Tuyền) giải A trong nước, giải quốc tế năm 1979, Xôn xao mùa xuân, Bài hát gửi anh chiến sỹ Trường Sa, Trồng cây ơn Bác, Hãy giữ cho em bầu trời xanh...
-      Con gà gáy le té le te sáng rồi ai ơi/Gà gáy té le té le sáng rồi ài ời... Có lẽ, những câu hát này dường như đã đi vào tâm thức của nhiều em nhỏ Việt Nam và ai cũng biết rằng đó là bài Gà gáy phỏng theo dân ca Côống Khao.
-      Bài hát này đã đến với công chúng từ bao giờ thì chắc hẳn chưa mấy ai biết. Xin tiết lộ: người đầu tiên phát hiện sưu tầm và giới thiệu bài dân ca này là nhạc sỹ Huy Trân và năm nay bài hát đã tròn... 40 tuổi.
-      Xin nhạc sỹ cho biết bài hát Gà gáy được ra đời như thế nào?
-      Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã thực hiện các chuyến đi điền dã ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc để sưu tầm dân ca. Một lần, trong chuyến đi lên rẻo cao Tây Bắc, tới bản Bô Lếch (xã Nậm Khao, Mường Tè, Lai Châu), tôi đã gặp đồng bào Côống và nhận thấy họ có một nền dân ca phong phú, nhiều làn điệu dân ca đặc sắc như Khuê nông lê, Loong lẳn, Nảng Ti Ling, Ga fà té le... Tôi đã thu thanh vào băng từ.
-      Khi về Hà Nội, từ những làn điệu dân ca đã được thu thanh đó, tôi đã dịch ra nốt nhạc (ghi âm) và đặt lời mới như: Khuê nông lê (Hò đóng thuyền), Loong lẳn (Trăng sáng), Ga fà té le (Gà gáy) và xuất bản trong một số tập dân ca của Nhà xuất bản Âm nhạc.
-      Theo các cụ già dân tộc Côống, "Ga fà té le" là "Tiếng con gà nó gáy", tôi đã đặt tên cho bài hát là Gà gáy và làm lời mới cho bản dân ca này. Bài hát này đã được gửi tới Phòng Dân ca (Đài Tiếng nói Việt Nam) và đã được ca sỹ Thanh Hoa (nay là Nghệ sỹ Nhân dân) hát giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1965.
-      Được biết ngoài sáng tác những bài hát cho thiếu nhi, nhạc sỹ còn dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam?
-      Giới trẻ và đặc biệt là các em thiếu nhi biết đến tôi là tác giả của các bài hát thiếu nhi như: Quả bóng, Hoà bình cho bé, Xôn xao mùa xuân, Bầu trời này mặt đất này, Chú bò xanh... Nhưng sáng tác bài hát thiếu nhi chỉ là một phần trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc của tôi.
-      Nửa cuộc đời nghệ thuật của tôi là mảng công việc tìm hiểu, nghiên cứu dân ca nhạc cổ truyền của một số dân tộc Việt Nam. Suốt 20 năm tuổi trẻ công tác tại Viện Âm nhạc, tôi đã lặn lội, vượt suối, qua đèo đến với nhiều vùng dân tộc mà xa xôi vất vả nhất là vùng rẻo cao Tây Bắc, gặp gỡ người Hà Nhì, người Côống, người Khơ Mú... ở huyện Mường Tè.
-      Tất cả đã để lại trong tôi tình yêu mến và tự hào với nền dân ca nhạc các dân tộc Việt Nam. Tôi đã viết những tiểu luận giới thiệu nền ca nhạc dân gian một số dân tộc vùng cao Tây Bắc và một số cuốn sách nghiên cứu về các nhạc khí các dân tộc Việt Nam đã được xuất bản...
-      Kể từ năm 1980, khi chuyển về Ban Âm nhạc (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), tôi đã chú trọng tới mảng ca nhạc dành cho trẻ em, đặc biệt chuyên mục Câu chuyện âm nhạc dành cho thiếu nhi với mong muốn đem âm nhạc đích thực tới trẻ em, là chuyên mục được giới âm nhạc hoan nghênh và các em nhỏ yêu thích.
-      Đã bước sang tuổi thất thập, nhạc sỹ mong ước gì?
-      Tôi ao ước nếu còn có sức khoẻ, lại được rong ruổi ở những vùng núi Tây Bắc để làm đầy đặn thêm bộ sưu tập dân ca của mình, và nếu có thể được đi khắp mọi miền của đất nước mình ghi lại những bài dân ca mà từ trước tới giờ chưa ai khai thác ...
-      Cảm ơn nhạc sỹ và nhân năm con Gà chúc nhạc sỹ sức khoẻ dồi dào để có thể thực hiện được những ý định của mình.
-      Ngọc Ánh (thực hiện)
                                                                                 Nguồn : Tiên Phong



0 comments:

Post a Comment